So với các nước ASEAN, Myanmar vẫn là nước có tỷ lệ người dân tiếp cận điện thấp, nhiều nơi điện không ổn định. Trước yêu cầu cấp bách, Chính phủ của quốc gia này đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư đối quốc tế tham gia đầu tư các dự án năng lượng điện. Đây có thể là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu khả năng tham gia vào các gói thầu, cũng như đầu tư phát triển nguồn điện.
Công suất điện của Myanmar đã được nâng từ khoảng 3.896 MW năm 2012 lên tới khoảng 6.034 MW (tính đến tháng 5/2020). Trong đó, nguồn điện của Myanmar chủ yếu từ thủy điện, chiếm khoảng 54% sản lượng điện nước này, trong khi đó nguồn điện từ khí đốt vào khoảng 41,3%, sản lượng điện còn lại được sản xuất từ than, dầu và năng lượng mặt trời.
Thủy điện vẫn là nguồn sản xuất điện với giá rẻ nhất với chi phí sản xuất cho mỗi đơn vị điện tại các nhà máy thủy điện của nhà nước khoảng 12 MMK, của tư nhân là 72 MMK (1.230 VNĐ). Trong khi đó, chi phí sản xuất điện bằng khí đốt khoảng 150 - 190 MMK (2.560-3.246 VNĐ), của điện mặt trời vào khoảng 195 MMK (3.331 VNĐ).
Theo dự báo của WB, nhu cầu điện của Myanmar sẽ vào khoảng 8.600 MW năm 2025 và 12.600 MW vào năm 2030. Chính phủ Myanmar cũng đã đưa ra mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng điện trong vòng 10 năm tới. Để đáp ứng nhu cầu điện trong nước được dự báo cũng như phục vụ sản xuất, công nghiệp hóa hiện đại hóa và điện hóa vùng nông thôn, tạo sức hút cho đầu tư nước ngoài vào Myanmar, Chính phủ nước này đã mời gọi đầu tư vào nhiều nhà máy điện trên toàn quốc.
Hiện nay, trong số 129 dự án thuộc Ngân hàng Dự án Myanmar đang thực hiện hoặc mời gọi đầu tư (các dự án trọng điểm) thì có đến 27 dự án liên quan đến phát triển các nhà máy điện và hệ thống truyền tải với tổng vốn đầu tư vào khoảng 6,1 tỷ USD với tổng công suất vào khoảng 2.772 MW (không bao gồm dự án thủy điện Myitsone).
Chính phủ quốc gia này cũng đã mời thầu xây dựng cho nhiều nhà máy điện mặt trời với công suất 1.060 MW. Các dự án sản xuất và truyền tải điện của Myanmar được huy động từ nguồn đầu tư nhà nước, vay viện trợ, hợp tác tư nhân, đầu tư nước ngoài. Nhằm giúp Myanmar đạt được mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận điện, Ngân hàng thế giới WB đã duyệt khoản tín dụng 350 triệu USD. Nếu như muốn đạt được mục tiêu này, dự kiến Myanmar sẽ phải nâng gấp đôi công suất trong 5 - 7 năm tới.
Trong dài hạn, nếu khắc phục được bất lợi về việc cung cấp điện, Myanmar hoàn toàn có thể trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Chính phủ Myanmar đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư đối với các dự án năng lượng điện, với kinh nghiệm trong nước và đầu tư tại một số nước khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện của Myanmar.
*Nguồn: nangluongvietnam.vn