Chỉ Số Vượt Khó - Sức Mạnh Của Khả Năng Phục Hồi & Thúc Đẩy Năng Suất

14/07/2021

Mọi người thường đánh giá một cá nhân dựa trên năng lực trí tuệ và khả năng nhận thức của người đó. Chúng ta đã sai lầm khi cho rằng thành công của ai đó chỉ được quyết định bởi sự thông minh của họ. Thông minh thực sự là một phần không thể thiếu của sự xuất sắc. Nhưng thành công không chỉ được quyết định bởi thành tích, mà còn phụ thuộc vào khả năng kiên trì của một người trong thời điểm người đó gặp khó khăn, nghịch cảnh. Cuộc sống luôn biến động và chúng ta có thể gặp nhiều thử thách trong hành trình hướng tới mục tiêu của mình. Vì vậy, cần phải phát triển các kỹ năng giúp chúng ta vượt qua và phát triển hơn nữa từ những thách thức này. Khả năng vượt qua khó khăn của các cá nhân còn được gọi là chỉ số vượt khó của họ.


Chỉ số vượt khó là gì?


Chỉ số vượt khó (AQ - Adversity Quotient) đo lường khả năng đương đầu và đối phó với những khó khăn, hoàn cảnh bất lợi của một người. Nó cũng thường được gọi là khả năng phục hồi, thể hiện cách một người phản ứng khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, từ những rắc rối nhỏ xảy ra hàng ngày cho đến những căng thẳng hoặc áp lực nghiêm trọng hơn trong công việc và cuộc sống. 

Chỉ số AQ có thể đo mức độ hoài bão, nỗ lực, sự sáng tạo, năng lượng, sức khoẻ lý tính, xúc cảm và hạnh phúc của một người. Nó cũng chính là một chỉ báo về bốn mức độ cao thấp của bản lĩnh sống:
1. Đối diện khó khăn
2. Xoay chuyển cục diện
3. Vượt lên nghịch cảnh
4. Tìm được lối ra

Chỉ số AQ là một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công

 
Việc hiểu được làm thế nào một người phản ứng với các nghịch cảnh được xem là khá hữu ích trong việc dự đoán sức chịu đựng, năng lực tinh thần, sự kiên trì, thái độ và mức độ nhanh chóng mà họ có thể thích ứng với những thay đổi của môi trường. Những yếu tố này là những chỉ báo mạnh mẽ về khả năng thành công trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là tại nơi làm việc.


Sở hữu chỉ số AQ cao giúp bạn thêm can đảm học hỏi và vượt qua những thất bại. Khi nghịch cảnh xảy ra, những người có chỉ số AQ cao phân tích tình hình với mong muốn giảm ảnh hưởng và kiểm soát tình huống căng thẳng ở một mức độ nhất định. Thêm vào đó, những người có chỉ số AQ cao xem khó khăn là những tình huống tạm thời sẽ sớm qua đi, do đó quá trình phục hồi của họ diễn ra tương đối nhanh hơn so với những người có chỉ số AQ thấp.


Những đặc điểm này giúp những người có chỉ số AQ cao chiếm ưu thế trong hầu hết các tình huống vì họ không tập trung vào các khía cạnh tiêu cực, thay vào đó, họ dành nhiều nỗ lực để tìm ra giải pháp cải thiện hoàn cảnh. Tại nơi làm việc, những người có chỉ số AQ cao được đánh giá sẽ mang lại sự ổn định lâu dài và lòng trung thành vì họ không dễ dàng bỏ việc khi có khó khăn cản trở, họ trở thành người giải quyết vấn đề và là người đáng tin cậy trong bất kỳ tổ chức nào.


Khả năng phục hồi cũng thúc đẩy năng suất làm việc vì nó là yếu tố quyết định đến khả năng theo đuổi và đạt được các mục tiêu đã đặt ra.  Những cá nhân có khả năng phục hồi có thể vượt qua những nghịch cảnh và thất bại một cách tương đối dễ dàng hơn so với những người có chỉ số AQ thấp, điều này làm giảm khả năng họ bỏ cuộc khi có những thứ bị chệch hướng hoặc không theo kế hoạch.
Ngoài ra, chỉ số AQ được liên kết chặt chẽ với khả năng phục hồi tinh thần, điều quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần của một người khi đối mặt với các vấn đề và sự thay đổi đột ngột. 

Trong thế giới kinh doanh sôi động và cạnh tranh của chúng ta, AQ được cho là trí tuệ quan trọng nhất cần có vì đôi khi chúng ta không lường trước được những thay đổi và những thách thức mà chúng ta phải đối phó hàng ngày. Chúng ta không ngừng hướng tới thành công và chinh phục các mục tiêu trong kinh doanh, vì vậy điều tối quan trọng là phải có khả năng phục hồi cao và sự ổn định trong tập thể. Nghĩa là, mỗi người trong đội ngũ của chúng ta cần phải có chỉ số vượt khó. 


Làm thế nào để phát triển AQ của bạn?


Đa phần những người có chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) cao thì chỉ số AQ cũng cao. Nhưng không phải bao giờ và với ai giữa chỉ số EQ và chỉ số AQ đều có tỉ lệ thuận. Nếu không tự nâng cao chỉ số AQ, người thông minh và người tốt vẫn có thể là người bất hạnh, không vượt qua được nghịch cảnh. Tin tốt là AQ của bạn có thể được trau dồi và cải thiện thông qua việc thực hiện một số thay đổi liên quan đến thực hành và nhận thức: 

1. Hãy dành một phút để phân tích tình hình
Cơn hoảng loạn xuất phát từ nghịch cảnh xảy đến bất ngờ có thể khiến bạn phản ứng một cách hấp tấp và không lí trí. Thay vì trả lời ngay lập tức, hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu sâu vào nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để tìm kiếm phản hồi tối ưu nhất.

2. Đừng sợ mắc sai lầm
Đừng để nỗi sợ thất bại ảnh hưởng đến bạn. Hãy xem việc mắc lỗi như một cách tiếp cận vấn đề toàn diện hơn và việc áp dụng tư duy của người luôn cầu tiến sẽ giúp bạn thoát khỏi những sai lầm và có thể học thêm các bài học từ những sai lầm này. 

3. Liên hệ và tìm kiếm phản hồi
Đừng tự cô lập bản thân và đấu tranh trong im lặng khi khủng hoảng xuất hiện. Hãy chủ động hỏi ý kiến người khác và nhận phản hồi về cách bạn có thể cải thiện các giải pháp đối phó với khó khăn của mình. Tiến trình này sẽ giúp bạn nâng cao nhận thức về bản thân mình và phá vỡ kiểu phản ứng thụ động trước các vấn đề.

4. Có Niềm Tin 
Tin rằng mọi chuyện xảy ra đều có lý do riêng của nó là điều cốt yếu về mặt tinh thần và cảm xúc để đối phó với chúng. Căng thẳng và lo lắng do thiếu niềm tin có thể làm suy giảm nghiêm trọng khả năng phán đoán cũng như những phản ứng mang tính xây dựng và tích cực của chúng ta đối với vấn đề. Củng cố niềm tin vào bản thân sẽ giúp chúng ta giảm thiểu mức độ áp lực trong hoàn cảnh khó khăn để tiến hành các giải pháp phù hợp với tình hình.

*Nguồn: careers.nashtechglobal.com/psychologs.com