Dự án "Mô hình thử nghiệm nước từ gió” sử dụng nguồn vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) của Chính phủ Bỉ tại tỉnh Ninh Thuận góp phần từng bước giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt do hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt tại nhiều tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Ngày 10/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp và Công ty SUL của Bỉ đã ký kết các thỏa thuận thực hiện dự án "Mô hình thử nghiệm nước từ gió” sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Bỉ tại tỉnh Ninh Thuận.
Nhà máy thử nghiệm khử mặn nước bằng điện gió sẽ được triển khai tại xã An Hải, huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận tiếp nối những thành công trước đó từ một dự án tương tự ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ninh Thuận có 1.000 ha đất nông nghiệp nhưng có đến 50% là đất cát bạc màu. Bên cạnh đó, tỉnh còn thiếu nước để canh tác nông nghiệp do nước mặn xâm nhập nặng nề, khiến việc trồng trọt - hoạt động kinh tế chủ lực của hầu hết các hộ gia đình trong tỉnh càng thêm gian nan.
Theo kế hoạch, tổng chi phí của mô hình thử nghiệm sẽ là 1,2 triệu euro (1,42 triệu đô la), trong đó chính phủ Bỉ hỗ trợ 700.000 euro (829.430 đô la) và SUL hỗ trợ 500.000 euro (592.450 đô la). Dự án có 4 phần chính là: Phần nổi; Phần tạo, lưu trữ và cung cấp điện; Hệ thống sản xuất nước và Đơn vị kiểm soát trung tâm.
Trong đó, phần nổi được lắp đặt trên sà lan có kích thước khoảng 60x20x5m để làm nơi chứa thiết bị. Phần tạo, lưu trữ và cung cấp điện hoạt động bằng tua bin gió và tấm quang điện mặt trời với công suất cao nhất vào khoảng 90 kW, giúp cho nhà máy tự cung tự cấp và hoàn toàn bền vững.
Hệ thống sản xuất nước gồm có đơn vị tiền xử lý thông minh và hệ thống thẩm thấu ngược RO với màng lọc. Công suất ước tính của hệ thống này vào khoảng 400 m3/ngày đêm, có khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường dựa vào 3 yếu tố: năng lượng từ gió và mặt trời; chất lượng nước đầu vào và nhu cầu về nước sạch.
Cuối cùng, đơn vị kiểm soát trung tâm sẽ kết nối, phân phối điện tới các hệ thống một cách hiệu quả. Toàn bộ hệ thống đều dễ lắp đặt, yêu cầu bảo dưỡng thấp và có thể vận hành, duy trì bởi các cư dân địa phương.
Đại sứ quán vương quốc Bỉ tại Việt Nam ngài Paul Janssen cho rằng, “Chúng ta cần làm mọi thứ có thể nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, chúng ta cũng cần hành động để thích ứng với những hình thái thời tiết mới và bảo vệ tương lai của nông nghiệp Việt Nam. Đây chính xác là những gì mà dự án khử nước mặn bằng gió này hướng tới ”.
Sáng kiến thí điểm, được đồng tài trợ bởi Chính phủ Bỉ, công ty tư nhân SUL và Bộ NN & PTNT, là một phần của các dự án được thực hiện trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Việt-Bỉ Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, được ký trong chuyến thăm chính thức Brussels vào tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong gần hai năm qua, mối quan hệ đối tác chiến lược này ngày càng đi vào chiều sâu, với ngày càng nhiều sáng kiến. Một công cụ của Bỉ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ xuất khẩu thiết bị công nghệ cao mang tính sáng tạo là một ví dụ điển hình về cách tiếp cận dường như hoàn toàn phù hợp để hỗ trợ cho quan hệ hợp tác Bỉ-Việt hiện nay. Đó là một công cụ tài chính mới giúp tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của Bỉ, cung cấp những giải pháp cho các thách thức ở Việt Nam như biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, một dự án nữa là mô hình “kho lạnh thông minh” thí điểm tại tỉnh Trà Vinh, Đồng bằng sông Cửu Long, cũng đã được chính phủ Bỉ phê duyệt. Dự án sẽ giúp kiểm soát chất lượng rau và trái cây tươi, đặc biệt là đối với vận chuyển đường dài.
“Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác học thuật Bỉ - Việt Nam đã đầu tư rất nhiều và vẫn đang tiếp tục đầu tư vào tính bền vững của nuôi trồng thủy sản Việt Nam cùng với các dự án nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ nhằm giúp việc nuôi trồng thủy sản thích ứng với nước có độ mặn cao hơn. Với Mô hình thử nghiệm nước từ gió, chúng tôi hướng tới việc giúp người nông dân và các cơ sở tiếp cận nguồn nước ngọt”, ngài Janssen chia sẻ.
*Nguồn: vir.com.vn