Vietranstimex bị lợi dụng thương hiệu
Giới vận tải trong nước rất tự hào vì thấy doanh nghiệp vận tải trong nước đang mạnh lên, có thể đảm nhận vận chuyển những tổ hợp thiết bị siêu trường siêu trọng phục vụ các công trình trọng điểm của đất nước. Tuy nhiên, sự thật dư luận đã bị lừa. Vụ việc này là một bài học cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tìm hiểu sự việc được biết, cuộc vận chuyển tháp tách Propylene gây xôn xao dư luận ngày 8.5 vừa qua là do Tập đoàn Vận tải nước ngoài ALE thực hiện. Tổng Giám đốc Vietranstimex Nguyễn Đăng Sâm khẳng định, Vietranstimex không hề tham gia vận chuyển lô hàng này. Ông Nguyễn Đăng Sâm bức xúc: “Tôi rất ngạc nhiên và bất bình trước việc làm này. Đài Truyền hình Việt Nam thì đưa tin Công ty tôi vận chuyển, còn một số tờ báo thì viết là: Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài, Công ty Vận tải Đa phương thức vận chuyển... Chúng tôi đã làm báo cáo gửi chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án Nhà máy lọc dầu, Nhà thầu Techip và Tập đoàn SDV”. Không những thế, hai Tập đoàn giao nhận vận tải quốc tế đã lợi dụng thương hiệu của Vietranstimex đưa người và phương tiện vào tham gia vận chuyển thiết bị của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, vi phạm những cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và WTO.
Trước sự việc trên dư luận đặt câu hỏi: Vì sao một doanh nghiệp nước ngoài phải giả danh thương hiệu của doanh nghiệp trong nước để vận chuyển nội địa; Việc SDV thuê tập đoàn vận tải nước ngoài thực hiện hợp đồng vận chuyển trong nội địa có phù hợp với cam kết của Nhà nước Việt Nam với quốc tế; Và các công ty vận tải có đủ năng lực vận tải các kiện hàng lớn hay không ?.
Theo lãnh đạo Vietranstimex khẳng định với khối lượng kiện hàng tháp tách Propylene nặng trên 400 tấn, thiết bị phân xưởng chế biến Propylene của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do Tập đoàn Vận tải nước ngoài ALE thực hiện vận chuyển vừa qua Công ty thừa sức chuyên chở. Thực tế Công ty Vận tải đa phương thức thuộc Bộ Giao thông - Vận tải là doanh nghiệp có tiềm lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực vận tải hàng siêu trường siêu trọng, với 160 trục rơmooc và nhiều đầu kéo, thiết bị hiện đại khác, có thể vận chuyển những kiện hàng dài đến 100 mét, nặng đến hàng ngàn tấn. Công ty đã từng vận chuyển thành công tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ có kết cấu cồng kềnh và nặng hơn 500 tấn; Giàn khoan nặng 1.600 tấn cho mỏ Rubi và đang chuẩn bị vận chuyển một giàn khoan nặng 2.100 tấn cho mỏ Lan Tây của Tập đoàn BP, cùng những thiết bị khác cho Nhà máy phân đạm dài gần 100 mét...
Được biết, trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Vietranstimex được Liên doanh nhà thầu Techip chọn làm đối tác vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng phục vụ các gói thầu chính của Nhà máy lọc dầu thông qua Tập đoàn giao nhận vận tải quốc tế SDV. Ban đầu SDV giao Vietranstimex thiết kế, lập phương án vận chuyển toàn bộ thiết bị của Nhà máy lọc dầu. Và theo thư mời thầu vận tải của SDV, Vietranstimex có đủ khả năng vận tải tất cả các loại hàng hóa, máy móc siêu trường siêu trọng phục vụ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên, sau khi Vietranstimex thiết kế, lập phương án vận chuyển toàn bộ thiết bị của Nhà máy lọc dầu thì SDV chỉ thuê Công ty làm đường tránh qua sông Cửa Đầm, hạ đường điện 35kv xuống đi ngầm và vận chuyển những kiện thiết bị có trọng lượng từ 20 tấn đến 300 tấn, còn thiết bị có trọng lượng từ trên 300 tấn trở lên thì giao cho Tập đoàn ALE, một tập đoàn vận tải nước ngoài thực hiện. Theo bà Võ Nguyễn Thu Thuỷ, Giám đốc quản lý Công ty Trách nhiệm hữu hạn SDV Việt Nam, một chi nhánh của Tập đoàn SDV quốc tế tại Việt Nam cho rằng, vì yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn khi vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng nên phải thuê thiết bị nước ngoài... Nói như vậy là bà Thuỷ đã lảng tránh trách nhiệm vì Tập đoàn SDV là nhà thầu vận tải trong và ngoài nước của Tập đoàn Techip - Tổng thầu xây dựng Nhà máy lọc dầu, có toàn quyền quyết định việc lựa chọn doanh nghiệp vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng cho Nhà máy lọc dầu. Và trong trường hợp này SDV đã tự làm giảm “chữ tín” của mình với đối tác làm ăn là Vietranstimex.
Vậy tại sao lại phải lấy thương hiệu Vietranstimex để vận chuyển Tháp tách Propylene? Theo các chuyên gia luật và kinh tế thì việc làm của SDV là vi phạm pháp luật. Theo cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới trong lĩnh vực vận tải đường bộ, từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ vận tải hàng hoá và vận chuyển hành khách thông qua hợp đồng, hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh trong đó tỉ lệ góp vốn của phía nước ngoài không quá 49%...., 100% lái xe của liên doanh phải là người Việt Nam. Trong khi đó, cũng theo Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Sâm, Công ty của ông chưa hề có hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh gì với SDV và ALE. Việc SDV thuê Vietranstimex làm đường, điện trong dự án trên theo ông Sâm chỉ là cho “có hợp tác” để lách luật quốc tế. Không có hợp đồng hợp tác kinh doanh, không có liên doanh nhưng SDV vẫn đưa phương tiện và lái xe từ nước ngoài vào vận chuyển nội địa. Rõ ràng, SDV đã vi phạm những cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, những tranh chấp trong quá trình thực hiện các cam kết WTO là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu sự việc trên không được giải quyết một cách thoả đáng sẽ tạo ra tiền lệ... xấu để các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng, chèn ép gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước.
Tránh để tái diễn hiện tượng “vi phạm thương hiệu” như trên các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi đất nước đã hội nhập việc cạnh tranh là điều tất yếu nhưng phải bình đẳng. Vì thế Chính phủ và các Bộ ngành chức năng, chủ đầu tư... cần có biện pháp mạnh để bảo vệ doanh nghịêp làm ăn chính đáng, đảm bảo cho các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng trên tinh thần tôn trọng luật pháp Việt Nam và những cam kết quốc tế.
(Quang Vũ)