Vietranstimex hoàn thành công trình lắp đặt các đốt vòm cầu Hoàng Văn Thụ – Hải Phòng

12/06/2020
 

Danh mục các đốt dầm do Vietranstimex thực hiện

 

         Cầu Hoàng Văn Thụ có chiều dài hơn 1,5km, được xây dựng bắc qua sông Cấm, nối phường Minh Khai (Quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương (Huyện Thủy Nguyên). Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt của Hải Phòng với tổng mức đầu tư khoảng 2.176 tỷ đồng. Cầu Hoàng Văn Thụ có hình dáng “Cánh chim biển”, là cầu vòm ống thép nhồi bê tông được cấu thành bởi 05 đốt vòm với 15 chi tiết có trọng lượng đơn lẻ từ 16,5 đến 527 tấn (đốt vòm số 5). 14/15 chi tiết của 05 đốt vòm đã được Vietranstimex lắp đặt bằng cần cẩu bánh xích mới đầu tư có tải trọng 550 tấn được ổn định cân bằng trên sà lan biển 4700 tấn trong suốt quá trình lắp đặt.




Cẩu bánh xích 550T cẩu lắp đặt chi tiết đốt vòm số 3

 

       Điểm nhấn và cũng là khó khăn lớn nhất của công trình này chính là việc lắp đặt đốt vòm số 5 nặng 527 tấn dài 87m và rộng 20,5m lên độ cao gần 50m tính từ mặt boong sà lan vận chuyển để hợp long vòm cầu chính. Theo các nhà thầu tham gia thực hiện công trình, đây là đốt vòm có trọng lượng lớn nhất và được lắp đặt ở vị trí cao nhất trong lịch sử nghành xây dựng cầu đường Việt Nam. 

 




Đốt vòm chính đang được hệ thống Strand Jack nâng lên vị trí ghép nối



       

        Ngay từ những ngày đầu, qua quá trình khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng điều kiện về địa hình và địa thế tại công trường cầu Hoàng Văn Thụ, Vietranstimex đã mạnh dạn đề xuất với chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng chính của dự án về phương pháp lắp đặt đốt vòm số 5 bằng hệ thống kích rút bởi đây là phương pháp phù hợp và an toàn nhất đối với khối kết cấu có trọng lượng khổng lồ và được lắp đặt ở độ cao như vậy. 3h30 sáng ngày 20/8/2018, khi đốt vòm số 5 được tinh chỉnh vào đúng vị trí ghép nối yêu cầu để chính thức hợp long vòm cầu chính của Cầu Hoàng Văn Thụ, tất cả những người có mặt trên công trường đều vỡ òa vui sướng. Đốt vòm năng hàng trăm tấn ấy đã được đưa lên vị trí lắp đặt một cách an toàn tuyệt đối và đúng tiến độ yêu cầu. Quảng thời gian 14 tiếng đồng hồ liên tục mà đốt vòm được từ từ nâng lên vị trí cuối cùng bằng hệ thống kích rút trông có vẻ chậm rãi khi so với nhịp sống nhộn nhịp, hối hả của thành phố cảng năng động bậc nhất đất nước này nhưng lại là một quá trình làm việc hết sức khẩn trương, tập trung, khoa học và phối hợp nhịp nhàng của những người lao động Vietranstimex và những chuyên gia tư vấn giám sát kỹ thuật đến từ Italy.    

 


Đốt vòm số 5 tại vị trí kết nối hợp long




       Với thế mạnh về năng lực PTTB cũng như nhân sự kỹ thuật chất lượng cao cộng với quá trình nghiên cứu, nắm bắt xu thế mới của công nghệ lắp đặt trên thế giới, Vietranstimex đã bắt đầu tiếp cận công nghệ lắp đặt máy móc thiết bị bằng hệ thống kích rút (Strand Jack) từ những năm 2010, song song với việc hợp tác với các đối tác lớn có uy tín để đào tạo, chuẩn bị nhân lực tính toán kỹ thuật, vận hành thiết bị. 

Thành công của công trình lắp đặt đốt vòm chính Cầu Hoàng Văn Thụ bằng hệ thống kích rút một lần nữa khẳng định Vietranstimex đủ khả năng để cung cấp dịch vụ lắp đặt máy móc thiết bị cho các khách hàng trong nước và khu vực bằng công nghệ lắp đặt tiên tiến này bên cạnh các phương pháp truyền thống bằng cần cẩu, hệ thống đẩy thủy lực và rơ-mooc tự hành SPMT trong thời gian qua.  

 




Kỹ sư Vietranstimex kiểm tra hệ thống kích rút trước khi bắt đầu công việc




Hệ thống kích rút là gì?




        Hệ thống kích rút, được thiết kế bởi những kỹ sư người Úc tên là Patrick Kilkeary và Bruce Ramsay vào năm 1969, là một hệ thống chuyên dụng được sử dụng để nâng / di chuyển những kết cấu rất nặng (có thể lên đến hàng ngàn tấn tùy vào số lượng kích được thiết lập và sử dụng) phục vụ việc lắp đặt các kết cấu, máy móc thiết bị trong các lĩnh vực như xây dựng cầu đường; xây dựng các công trình dân dụng lớn; thi công các giàn khoan dầu khí; xây dựng các nhà máy điện, nhà máy lọc hóa dầu và lắp đặt các kết cấu khác tại những nơi mà phương pháp sử dụng cần cẩu là bất khả thi hoặc quá tốn kém chi phí.

 

Các bộ kích rút được sử dụng như thế nào?




        Các bộ kích rút có thể được sử dụng theo phương ngang so với mặt đất để kéo các kết cấu và máy móc vào vị trí yêu cầu (chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí, còn được gọi là Skidding) hoặc theo phương thẳng đứng để nâng thiết bị cần lắp đặt từ mặt đất / vị trí lắp ráp lên vị trí vận hành ở trên cao.. 



Các bộ kích rút hoạt động ra sao?




        Mỗi kích rút là một xy lanh thủy lực được khoan lỗ để luồn cáp thép đặc chủng (strand) xuyên qua giữa thân thông qua hai côn khóa đặc biệt được lắp đặt tại hai đầu xy lanh. 

 

        Kích rút có cách thức hoạt động tương tự cách di chuyển của một chú sâu: côn khóa tại một đầu của xy lanh sẽ được mở ra để thân xy lanh có thể trượt dọc theo thân cáp. Khi hết hành trình xi lanh, côn khóa nói trên sẽ được khóa lại để sẵn sàng kẹp chặt và kéo cáp trong khi bộ côn khóa giữ cáp ban đầu sẽ được mở ra để dây cáp có thể lướt qua. Qúa trình này được điều khiển một cách khoa học và nhịp nhàng lặp đi lặp lại để sợi cáp đã được gắn tải có thể di chuyển lên / xuống / tới / lui theo phương án lắp đặt tính toán từ trước. 

 

        Qúa trình rút cáp có thể được thực hiện với bất kỳ tốc độ nào và có thể dừng lại để điều chỉnh tại bất kỳ vị trí nào. Mặc dù một bộ kích rút chỉ có thể dịch chuyển một khối lượng khoảng 1.700 tấn nhưng thông qua sự điều khiển của một hệ thống máy tính đặc biệt, 120 bộ kích rút có thể hoạt động đồng thời để cung cấp đủ lực để di chuyển những khối kết cấu cự kỳ khổng lồ.